Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Trường ơi...

                                                             
Mình vừa về quê tháng tư rồi, chạy xe một mạch xuống trường cũ, nơi tuổi thơ, tuổi học trò nằm lại cách đây gần 30 chục năm, mới đó thôi mà đã quá nửa kiếp người.
Cái cổng này không dư ngày xưa đón mình vào lớp 1, nó đã bị đập
vỡ tan và thay bằng hình hài khác hoàn toàn



Tất cả đã đổi khác, một khung cảnh tan hoang, điêu tàn, thay vào đó là hai dãy nhà xây dư lô cốt, một cái rãnh xẻ giữa trường làm ranh giới giữa cấp 1 và cấp 2, hậu quả của thứ tư duy trì trệ mà ngành giáo dục mãi không thoát nổi, không tự cải cách được mình.
Mình đã đứng chết lặng bên cái hồ ngày xưa tuyệt đẹp giữa trường. Giờ nó như cái ao tù cho trâu đằm giữa hai hiệp cày.
Tất cả dư cuốn phim chạy qua mắt mình…
Ngày xưa, trường nằm giữa khu đất mênh mông, bao quanh nó là rặng phi lao cổ thụ quanh năm vi vu trong gió, mỗi lần đi đâu xa, chỉ nhìn thấy một rừng phi lao xanh đậm ở phía trước là biết chuẩn bị được trở về nhà mình.
Nhà ở cho giáo viên tường làm bằng đất dẻo quánh như kẹo kéo, vách trát bằng rơm nhào với bùn hoa múc từ dưới đáy hồ lên, mái lợp rạ dày lên hàng mấy chục phân, mùa hạ mát lạnh. Năm thành viên của gia đình mình được ưu tiên hai gian, ngôi nhà trông ra mặt hồ quanh năm đầy nước. Dững đêm trăng sáng, nhìn thấy từng đàn cá lượn lờ kiếm ăn, gặp động chúng chìm nhanh làm ánh trăng vỡ vụn như dát vàng trên mặt hồ.
Mùa hạ về, bão tố như muốn thử sự kiên cố của của những gian nhà tranh đắp vách đất.
Các cô, chú chặt tre chằng lên mái nhà, chặt phi lao chống vào tường đất. Bão về thật rồi, những trận mưa ào ạt như đổ nước xuống đất, và gió giật nghiêng ngả hàng phi lao, dững cành lá không thể chịu được sức giật của gió đã gục ngã, cành nứt toác, lủng liểng trên cao đung đưa… Mẹ cõng mình lên trú trên dãy lớp học đã được xây từ mấy chục năm về trước. Chẳng biết nó có chịu được sức gió giật cấp 11 không, dưng vì người ta vẫn nghĩ nhà xây chắc hơn nhà đất. Một tay mẹ xách túi đồ, một tay giữ mình trên lưng trong gió gào thét điên cuồng. Mình vòng tay ôm chặt cổ mẹ, mắt nhắm nghiền vì nước mưa quất thẳng vào mặt rát ràn rạt.
Ngày xưa, mỗi năm miền Bắc phải hứng chịu không dưới chục cơn bão. Nhà đổ, cây đổ, bưởi, nhãn thi nhau rụng ngoài sân, ngoài vườn, dưng hình như hàng phi lao bao bọc quanh trường đã che chắn sức tàn phá kinh hoàng của gió bão nên cây cối, nhà cửa trong trường vẫn bình yên bất ngờ. Bao năm rồi, mình vẫn nhớ như in tiếng người phát thanh viên trên Đài tiếng nói Việt Nam đọc bản tin cơn bão khẩn cấp.
Bão tan sau khi chuyển đủ bốn hướng gió, vòng quanh trường, phi lao, nhãn, xà cừ nằm ngổn ngang, mọi người lục tục về nhà dọn dẹp, bọn trẻ con chúng mình thi nhau chạy ra sân trường kéo cành gãy về làm củi. Rất nhiều chú bọ ngựa cánh dài xanh có, nâu có còn bám chắc trên dững cành cây gãy, chúng rương đôi mắt gan lỳ và giơ chiếc càng đầy răng cưa ra dọa bọn mình.
Nước trong hồ đầy ắp, cá, tôm thi nhau vào búng cạnh bờ. Bố rửa chân dưới cầu ao đá, bắt được một ả cá chép đang vật đẻ bên khóm bèo tây, bụng tròn xoe toàn trứng.
Năm mình vào lớp một, dững cây nhãn, xà cừ trên sân trường đã bóng nhẫy vết tay, vết chân của tuổi học trò nghịch ngợm, chẳng có trò gì thích hơn bằng rủ nhau trèo lên cây đạp nhau như loài khỉ, trường cấm dưng bọn mình vẫn trốn ra rặng cây ngoài bờ mương để chơi…  những cái đầu vàng hoe vì nắng hạ, những bàn chân mốc thếch vì quanh năm đi đất, áo quần bê bết đất và mực, khăn quàng  ngả màu bạc trắng…
Trăng chiều nơi trường cũ,
chỉ còn thấp thoáng vài bóng xà cừ 

Mùa xuân, ngôi trường ngập trong hương nhãn và tiếng ong mật, nắng bừng lên sau bao ngày đông giá rét, hoa nhãn bung ra, trắng xóa mặt đường đi. Tết qua lúc nào chẳng biết, chỉ thấy nuối tiếc của mùi thuốc pháo, mùi bánh chưng và dững ngày không phải ôm sách đi học…

Giờ đây, trường mình, nơi một quãng dài tuổi thơ nằm lại, chẳng còn giống ngày xưa, chỉ còn trong ký ức xa xôi, những âm thanh của tuổi thơ không bao giờ mất đi đâu được, bây giờ tan hoang, tất cả đã thay đổi đến không ngờ…và mình bất chợt hiểu ra, vì sao bây giờ học sinh chửi thầy cô nhiều đến vậy, vì sao học trò bỏ học, sẵn sàng cầm dao đâm chết bạn cùng lớp vì dững lý do cỏn con, không đâu. Vì sao nữ học sinh mới đến cấp hai đã biết tụt quần áo nhau ra giữa đường phang nhau chí tử rồi đưa nhau lên mạng xem một cách thích thú…

Mình nhớ đến thằng bạn thân hồi học thời cấp 1, tên Dũng, giờ làm giảng viên một trường quân đội, mỗi lần gặp nhau, nó kể về trường cũ một cách say sưa không bao giờ chán với dững kỷ niệm ngọt ngào, bao hình ảnh về mái trường thân yêu năm xưa theo nó cả vào trong giấc ngủ bên chiến hào. Nhìn gương mặt nó nhăn lại, đau đớn khi nhắc đến hình ảnh tang thương của ngôi trường Bắc Sơn bây giờ, mắt nó rưng rưng chực khóc, mình cũng thấy cay cay trong sống mũi…








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét